Chiều 26-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Phương thức mới nhiều rủi ro
Theo đại biểu (ĐB) Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) kể từ khi ban hành Luật Dược năm 2016 đến nay, số doanh nghiệp (DN) bán buôn dược phẩm tăng từ 3.140 lên 5.170 DN; số nhà thuốc tăng từ 9.200 lên con số 67.000. Điều này dẫn đến tăng chi phí trung gian, khó kiểm soát giá thuốc, trong khi cơ chế hậu kiểm, bộ máy thanh tra vẫn như cũ.
ĐB Phong Lan lo ngại thực trạng bùng nổ gia tăng số lượng DN phân phối bán buôn và nhà thuốc, dẫn đến tăng chi phí trung gian, khó kiểm soát giá thuốc. Đối với nhà thuốc, bà Phong Lan nhận xét: "Muốn mua gì ở nhà thuốc cũng được, phớt lờ tất cả các quy tắc về thực hành tốt nhà thuốc vẫn diễn ra rất nhức nhối". Từ đó, nữ ĐB của TP HCM đề nghị tái lập quy định khoảng cách giữa nhà thuốc để phân bổ hợp lý hơn; bổ sung quy định điều kiện cư trú của dược sĩ để tránh tình trạng 1 dược sĩ có thể mở nhà thuốc ở bất cứ nơi nào.
Đối với quy định kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tử, nội dung được nhiều ĐB quan tâm thảo luận, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cân nhắc bởi trên thực tế, việc bán thuốc online có rất nhiều nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng, trong khi rất khó phát hiện, xử lý trên không gian mạng. Bà Lan đề nghị tuyệt đối không đưa thuốc kê đơn vào danh mục có thể phân phối qua thương mại điện tử. Đối với thuốc không kê đơn, chỉ nên áp dụng khi những quy định pháp lý đã được hoàn thiện chặt chẽ, còn hiện nay chưa nên thực hiện.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Trí Thức (đoàn TP HCM), Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, đề nghị xem xét kỹ vấn đề này. Theo ĐB Thức, chỉ nên cho phép kinh doanh thương mại điện tử đối với thuốc không kê đơn và phải lập một trang web hoặc một app chính thống để quản lý. "Còn bây giờ, nếu mở ra hết, cho kinh doanh thuốc online thì rất nguy hiểm, kể cả trong vận chuyển, trao đổi thuốc, điều kiện, nhiệt độ, hóa chất, sẽ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị" - ông Thức nói.
ĐB Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng), cũng đặt ra lo ngại khi đề cập quảng cáo thuốc trên mạng và trên truyền thông còn diễn ra tùy tiện, gây nhiều nguy cơ đến sức khỏe, tính mạng của người sử dụng. Cách thức quảng cáo cũng gây nhiều nhầm lẫn, hiểu lầm, như mượn danh các chuyên gia, người nổi tiếng, hình ảnh người bệnh để quảng cáo. Trong khi đó, công tác quản lý quảng cáo thuốc còn những hạn chế, bất cập, chưa rõ đầu mối chịu trách nhiệm. ĐB Tân đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế trong vấn đề này, tránh tình trạng thuốc không rõ nguồn gốc bán tràn lan trên mạng.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) đề nghị cân nhắc quy định kinh doanh dược theo phương thức thương mại điện tửẢnh: LÂM HIỂN
Chậm cập nhật danh mục thuốc BHYT
Thảo luận về nội dung rà soát, bổ sung thuốc và danh mục thuốc được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, ĐB Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội), Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, cho biết vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm, đó là thuốc nào được BHYT chi trả, tỉ lệ được hưởng BHYT đối với những thuốc đồng chi trả là bao nhiêu?...
Theo nữ đại biểu TP Hà Nội, việc chậm ban hành và ít cập nhật danh mục thuốc được BHYT chi trả sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận các phương thức điều trị mới tiên tiến trên thế giới, đồng thời cũng ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn, người đang trông chờ vào BHYT để được khám, chữa bệnh. Do đó, bà Hà đề nghị luật hóa nội dung này bằng việc bổ sung vào dự thảo luật quy định về việc ban hành danh mục thuốc được BHYT chi trả và cần quan tâm việc cập nhật danh mục thực hiện hằng năm, giao Bộ Y tế quy định chi tiết.
Còn theo ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), danh mục thuốc thanh toán BHYT được ban hành bằng các thông tư nhưng từ năm 2011 đến nay mới có 4 lần ban hành. Như vậy, khoảng từ 3 đến 4 năm, Bộ Y tế mới ban hành một thông tư quy định danh mục thuốc mới. Tại mỗi thông tư, số thuốc được bổ sung cũng rất ít; trong khi khoa học công nghệ ngày càng tiến bộ, các thuốc mới ra đời nhanh và nhiều, liên tục xuất hiện phác đồ điều trị mới làm thay đổi cơ bản chất lượng điều trị bệnh, nhất là các bệnh khó, bệnh ác tính... Chính vì vậy, sự chậm trễ trong việc bổ sung thuốc đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng điều trị cho người bệnh.
Từ thực tế trên, ĐB Trí đề nghị lần sửa đổi luật này cần có thêm nội dung quy định danh mục thuốc là trách nhiệm của Bộ Y tế và danh mục này phải được bổ sung hằng năm. Bộ Y tế cần phối hợp với BHXH Việt Nam xây dựng điều khoản quy định về điều chỉnh tỉ lệ chi trả hằng năm, qua đó bảo vệ tối đa quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh ác tính phải điều trị lâu dài.
Hôm nay (27-6), QH biểu quyết thông qua Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; thảo luận về một số nội dung liên quan đến việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.